Kinh tếNông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới không nên “ép chỉ tiêu”

10:48 - Thứ Bảy, 09/09/2023 Lượt xem: 3216 In bài viết

ĐBP - Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tại từng giai đoạn, mục tiêu xây dựng NTM có khác nhau, càng về sau mục tiêu càng cao. Nâng cao chất lượng xây dựng NTM là cần thiết song các mục tiêu, chỉ tiêu ngày càng nâng cao đã gây khó khăn cho các xã vùng cao trong quá trình xây dựng NTM.

Triển khai các dự án phát triển sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là giải pháp góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM. Trong ảnh: Xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) ra quân trồng cây mắc ca năm 2023.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng NTM, đến nay tỉnh Ðiện Biên đã có 21/115 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Theo Kế hoạch số 1986/KH-UBND ngày 29/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng NTM đến năm 2025, mục tiêu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 32 xã đạt chuẩn NTM. Như vậy, giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh phải có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM và 100% xã đạt chuẩn phải giữ được chuẩn NTM. Dự kiến các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023 - 2025 gồm: Mường Pồn, Mường Nhà, Phu Luông (huyện Ðiện Biên); Sa Lông (huyện Mường Chà); Mường Báng (huyện Tủa Chùa); Ẳng Cang (huyện Mường Ảng); Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông); Quài Tở, Quài Cang, Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) và Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ). Ðây thực sự là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với một tỉnh miền núi như Ðiện Biên. Bởi vì hơn 10 năm qua, tất cả các xã thuận lợi đều đã được các huyện, thị xã, thành phố dồn lực xây dựng đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2023 - 2025 phần lớn là những xã khó khăn. Trong khi đó, chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM ngày càng nâng cao là thách thức lớn.

Xã Mường Luân là xã điểm xây dựng NTM của huyện Ðiện Biên Ðông từ thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 10 năm thực hiện, xã Mường Luân mới hoàn thành được 17/19 tiêu chí NTM. Hiện nay xã còn 2 tiêu chí chưa hoàn thành gồm: Thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Ðến nay, mức thu nhập bình quân của xã đạt trên 19 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 24%. Trong khi đó, theo bộ tiêu chí về xã NTM đến hết năm 2025, tiêu chí thu nhập phải đạt trên 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đạt dưới 13%. Như vậy, trong 2 năm tới, xã Mường Luân phải phấn đấu tăng thêm 25 triệu đồng/người/năm và phải giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm hơn 11% mới đạt chuẩn NTM. Căn cứ điều kiện, nguồn lực hiện tại, để xã Mường Luân “về đích” NTM theo kế hoạch của tỉnh là rất khó.

Chính vì những khó khăn đặc thù đó, huyện Ðiện Biên Ðông đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh lùi thời điểm đạt chuẩn NTM của xã Mường Luân. Tại các cuộc họp UBND tỉnh về nội dung NTM, ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông kiến nghị: Ðến hết năm 2025, xã Mường Luân đạt chuẩn NTM là điều gần như không thể. Nếu dồn mọi nguồn lực để hoàn thành kế hoạch, đưa Mường Luân đạt chuẩn NTM thì cũng không bền vững. Bởi vì thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo thực tế so với bộ tiêu chí NTM có khoảng cách quá lớn. Trong khi đó, các tiêu chí “tĩnh” như: Ðường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa… ngày càng xuống cấp, không có kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Do đó thay vì dồn lực đưa Mường Luân về đích, huyện Ðiện Biên Ðông lựa chọn xây dựng các xã: Phì Nhừ, Noong U, Chiềng Sơ được công nhận cơ bản đạt chuẩn.

Tương tự, là xã điểm xây dựng NTM của huyện Tủa Chùa, sau 10 năm xây dựng xã Mường Báng đã được UBND tỉnh công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2021 - 2025, xã Mường Báng thuộc 11 xã dự kiến về đích NTM theo kế hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thị trấn Tủa Chùa, một số thôn, bản thuận lợi của xã Mường Báng đã sáp nhập vào thị trấn kéo theo xã Mường Báng bị tụt tiêu chí NTM. Ðến hết năm 2022, xã Mường Báng mới đạt 14/19 tiêu chí NTM. Trong vòng 2 năm (2023 - 2025), xã Mường Báng phải hoàn thành 5 tiêu chí còn lại (trong đó có 2 tiêu chí rất khó là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều) là rất khó khăn.

Những thách thức của huyện Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa nêu trên cũng là khó khăn chung của nhiều huyện khác. Ðến hết năm 2022, toàn tỉnh có 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM song một số xã trong tình trạng “chín ép” với nhiều chỉ tiêu còn non hoặc đăng kí “nợ” tiêu chí. Ðến nay, có rất ít xã hoàn thành việc nâng cao chất lượng và trả nợ các tiêu chí NTM. Nợ tiêu chí cũ chưa trả được trong khi quy định mức tiêu chí mới ngày càng tăng khiến các xã NTM “hụt hơi”. Qua các đợt rà soát, áp dụng bộ tiêu chí mới, nhiều xã NTM đã bị rớt chuẩn một số tiêu chí đã được công nhận.

Thông tin từ Văn phòng Ðiều phối NTM tỉnh, sau khi yêu cầu các xã đạt chuẩn và xã cơ bản đạt chuẩn NTM rà soát lại các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các xã đều bị giảm tiêu chí, chỉ tiêu thành phần so với thời điểm công nhận NTM. Ðiển hình, trên địa bàn huyện Ðiện Biên có 12 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì 100% đều bị rớt từ 1 - 3 tiêu chí. Các tiêu chí bị rớt chủ yếu là: Hộ nghèo, thu nhập, lao động, quy hoạch. Theo thống kê, hết năm 2022 toàn tỉnh còn 90/115 xã đạt tiêu chí số 11 về lao động, giảm 25 xã so với năm 2021; 69/115 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, giảm 6 xã...

Xây dựng NTM có điểm đầu, không có điểm kết thúc do đó việc nâng cao chất lượng tiêu chí NTM thể hiện sự phát triển của Chương trình. Ðiều này đòi hỏi quá trình xây dựng NTM phải liên tục, không được ngơi nghỉ, vì cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp, nông thôn ngày một khang trang. Mỗi giai đoạn, Trung ương đều giao mục tiêu, chỉ tiêu cho tỉnh; theo phân cấp tỉnh giao mục tiêu, chỉ tiêu cho chính quyền cấp huyện để triển khai thực hiện. Song mỗi mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cần sát với hiện trạng, khả năng thực hiện của mỗi xã, mỗi địa phương. Ðồng thời các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện một cách khoa học, bài bản; cấp ủy, chính quyền các địa phương cần nhận thức đầy đủ, rõ ràng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Ðặc biệt cần xóa bỏ bệnh thành tích, tư tưởng bằng lòng, thỏa mãn. Ðối với các tiêu chí khó và thường xuyên biến động như: Thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, cần xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành tiêu chí mang tính bền vững như: Triển khai hiệu quả các chương trình MTQG; các dự án phát triển kinh tế - xã hội; phát triển các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản địa phương để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top